Thượng Đế Thì Cười
Nguyễn Khải
Thượng Đế Thì Cười (2003), mang giọng văn hồi ký về cuộc đời viết lách của tác giả Nguyễn Khải.
Thông tin sách
“Thượng Đế Thì Cười” (tiểu thuyết của Nguyễn Khải, NXB Hội Nhà văn) thực chất là một cuốn hồi ký nhưng lại được viết theo hình thức của tiểu thuyết. Tức các nhân vật đều có thực, còn kết cấu, văn phong thì được viết dưới dạng tiểu thuyết. Xuất phát từ câu chuyện người vợ, sau cả quãng đời dài cùng tác giả gắn bó, về già lại đâm ra ghen tuông, khiến ông nhà văn vốn rất khéo xử với đời, lại không biết xử thế nào với vợ… Toàn bộ cuộc đời của Nguyễn Khải đã được dựng lên. Qua đó, ta thấy đời ông là một sự pha trộn bởi những điều trái ngược nhau. Nếu đời thực ông là một đứa con bị bỏ rơi, bị sỉ nhục của một người bố thiếu tình thương và trách nhiệm, thì trong quân đội ông lại là đứa con yêu của cách mạng. Những năm kháng chiến chống Pháp gian khổ hy sinh là thế, nhưng với riêng Nguyễn Khải lại là những ngày vui nhất, được gia nhập quân đội, chàng thiếu niên năm ấy như con chim sổ lồng, vùng vẫy thỏa thích giữa bầu trời tự do. Bởi thế có lúc mới “tự dưng chạy như thằng rồ”, đơn giản chỉ vì “thấy vui quá thì chạy” mà thôi. Còn trong kháng chiến chống Mỹ, khi cả nước chia ly, toàn dân không nhà nào không có người thân đầu rơi máu chảy, riêng Nguyễn Khải: “Vợ, chồng hắn suốt bốn mươi lăm năm chưa một lần ăn Tết lẻ loi”. Đôi lúc ông còn phải tự thấy ngượng, tự thấy mình có lỗi vì sự quá may mắn của bản thân. Không chỉ thế, từ một đứa bé trước mắt người bố tệ bạc là “thằng hám tiền”, ông lại trở thành một sĩ quan cao cấp, một nhà văn danh tiếng. Xuyên suốt “Thượng Đế Thì Cười”, Nguyễn Khải đã bộc bạch, bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc với cách mạng: “Nếu không có cách mạng thì mãi mãi hắn sẽ bị ám ảnh là một đứa trẻ bị ruồng bỏ… chỉ xứng đáng có một thân phận hèn mọn.”.